Đổ xô “săn” đất Cần Giờ
Về Cần Giờ, một huyện đảo của TPHCM những ngày này, đâu đâu cũng thấy người hỏi mua đất, nhà nhà cò đất, bán đất. Râm ran từ phà Bình Khánh đến tận trung tâm thị trấn Cần Thạnh là câu chuyện về đất! Cơn sốt đất Cần Giờ tăng vụt khi mới đây dự án đô thị lấn biển, bến cảng được thông tin rộng rãi.
Xe sang nườm nượp đổ về
Dưới cái nắng đổ lửa một ngày cuối tuần, chúng tôi đi Cần Giờ “săn đất”. Vừa đến bến phà Bình Khánh, một hàng dài xe hơi, xe gắn máy nối đuôi cả cây số. Gần cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến lượt lên được phà mà mướt mồ hôi. Từ những chiếc xe hơi sang trọng đủ loại biển số các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cà Mau, Gia Lai, Hải Phòng…, nhiều anh áo thun, quần soóc hàng hiệu bắt đầu ra mạn phà hút thuốc, ngắm sông. “Mấy anh đi Cần Giờ tham quan à?”, chúng tôi hỏi. “Có mấy con khỉ ngắm làm gì, tụi này đi mua đất”, một anh trung niên giọng miền Bắc nhanh nhảu.
Nhiều đồng ruộng, vuông tôm ở huyện Cần Giờ đang được rao bán ào ạt
Cũng phải chừng 5 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại huyện Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển thế giới. Qua khỏi bến phà Bình Khánh chừng 500m, những khu nhà cấp 4 năm xưa nay đã được thay bằng những căn biệt thự, nhà lầu, nhưng đan xen trong các khu dân cư 2 bên đường Rừng Sác (tuyến đường xuyên tâm huyện Cần Giờ - PV) vẫn lác đác những vuông tôm trơ đáy hay những rặng dừa nước. Xã Bình Khánh giáp với huyện Nhà Bè nên có phần sầm uất, nhiều bảng hiệu môi giới, ký gửi nhà đất dựng lên san sát. “Đất xã Bình Khánh giờ nóng ran rồi mấy anh, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giá mặt tiền đường Rừng Sác, đoạn cách bến phà khoảng 2km đổ lại, có giá từ 60-70 triệu đồng/m2 trở lên. Các tuyến đường nhỏ hơn ở khu vực này, giá đất cũng dao động trong khoảng 25-30 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền giờ cũng hiếm rồi, mấy anh xuống tiền mua liền đi, chứ nếu chậm chân là chỉ mua đất ở mấy vuông tôm sâu trong ấp thôi”, Đặng Ngọc S., một “cò đất” tiếp chuyện khi chúng tôi nghỉ chân tại quán cà phê lề đường.
Quả thực, rảo một vòng ở xã Bình Khánh, chúng tôi chứng kiến những rặng dừa nước, những vuông tôm được san lấp vội vàng, xẻ đường đi, cắm bảng bán đất khắp nơi. Rà số điện thoại, chúng tôi gọi và được “cò” T. đáp lời: “Có vuông tôm hơn 8.000m2, trong đó 2.000m2 đã chuyển lên thổ cư. Giá mỗi mét vuông là 15 triệu đồng, chỗ này mềm vì xa khu dân cư. Chỗ tui còn có nhiều miếng đất đẹp hơn, nhưng giá gấp đôi lận đó”. Nghe chúng tôi chê đất ao tôm, giá cao, “cò” T. cúp điện thoại cái rẹt.
Rời Bình Khánh, chúng tôi tiếp tục hành trình trên đường Rừng Sác, hàng loạt xe hơi cũng trực chỉ Thị trấn Cần Thạnh lao vun vút. Tấp xe vào một vựa bán trái cây tại ấp Long Thạnh (xã Long Hòa), chị Hoa - chủ vựa đon đả: “Mấy chú đi săn đất hả. Mèn ơi, du khách, xe hơi ở đâu mà mấy ngày nay về nườm nượp. Đất ở Long Hòa giờ cũng nóng quá trời. Nhà tui đây, năm 2020 bán mấy trăm mét vuông, giá chỉ 15 triệu đồng/m2. Nay có thông tin quy hoạch mới, giờ mỗi mét vuông đất đã có giá 20 triệu đồng. Mấy chú không mua, hôm sau quay lại thì chắc là không còn giá đó nữa đâu”.
Hệ lụy buồn
Không chỉ từ hướng TPHCM, bến phà cao tốc Cần Giờ - Vũng Tàu đi vào hoạt động (cự ly 15km đường biển giờ đi lại chỉ chừng 30 phút), nhiều người dân hướng TP Vũng Tàu cũng đua nhau sang Cần Giờ “săn đất”. Đại gia, nhà đầu tư, đầu cơ khắp nơi đang tìm mua đất tại huyện Cần Giờ, bất kể đất vườn, đất ruộng hay thổ cư khiến mặt bằng giá đất tại huyện đảo này “loạn nhịp”, và phần nào đảo lộn cả đời sống dân sinh vốn dĩ bình yên ở vùng ngoại thành này.
Trong đó, không loại trừ hiện tượng “thổi giá”, trục lợi, làm méo mó thị trường bất động sản (BĐS), ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, quản lý nhà nước và gây thiệt hại đến đời sống người dân. Một trong những nguyên do “sốt đất” là mới đây, Cần Giờ được phê duyệt quy hoạch khu đô thị lấn biển rộng gần 3.000ha, cũng như các kế hoạch phát triển mạng lưới cảng biển, du lịch được công bố rộng rãi.
Theo chuyên gia BĐS Nguyễn Duy Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý toàn cầu, định hướng phát triển huyện Cần Giờ là xây dựng nơi này thành đô thị nghỉ dưỡng và giải trí, trong đó vẫn đảm bảo việc bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn. Vì vậy, giao dịch mua bán vào thời điểm này có những rủi ro cao vì dễ dính quy hoạch. Còn ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Việt Nam cho rằng, chính quyền thành phố cần quản lý tốt công tác quy hoạch, bởi từ trước đến nay, mỗi khi xuất hiện thông tin khu vực nào được nâng cấp lên quận, giá đất tại khu vực đó lại nóng sốt, gây bất ổn cho thị trường. Do đó, cần phải có giải pháp minh bạch thông tin về quy hoạch, lộ trình đầu tư kết cấu hạ tầng để nhà đầu tư, người dân hiểu, tránh chạy theo tâm lý đám đông, rất dễ rơi vào vòng xoáy làm giá của các “cò” đất.
Các nhà đầu tư, đầu cơ đang kỳ vọng giá đất ở Cần Giờ sẽ tiếp tục leo thang để “lướt sóng” và chính người dân địa phương cũng đang có niềm tin về nguồn lợi “khủng” từ việc đất đai tăng giá mà bỏ bê ruộng đồng. Đây là những hệ lụy đáng buồn để lại mỗi khi “cơn lốc” giá đất tràn qua. Vì vậy, chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc nhằm hạ nhiệt cơn sốt đất, công khai quy hoạch, thông tin tuyên truyền rộng rãi để tránh những thiệt hại về sau.
ĐỨC TRUNG